Du lịch Việt ‘cầm cự’
Du lịch Việt đạt mục tiêu đề ra trong năm 2023 nhưng các doanh nghiệp vẫn chật vật để trở lại thời kỳ đỉnh cao.
Ông Hoàng Văn Dương, chủ nhà hàng Dương ở Ngõ Huyện, Hà Nội, phải xoay xở để thích nghi với thị trường du lịch Việt trong năm 2023. Nhà hàng của ông cắt giảm nhiều vị trí như quản lý, trợ lý quản lý, chỉ giữ lại nhân viên cần thiết. Thực đơn cũng được rút gọn để cân bằng chi phí vận hành.
Ông Nguyễn Văn Thơ, từng sở hữu bốn nhà hàng chuyên khách nước ngoài ở Hà Nội, Huế và TP HCM trước dịch, cũng đã phải đóng tất cả vì “đói” khách. Cuối năm ngoái, ông mới mở lại hai nhà hàng ở Hà Nội và bỏ hai nhà hàng ở Huế và TP HCM.
“Khách châu Âu tới nhà hàng chỉ bằng 50% trước dịch. Khách châu Á cũng có nhưng họ chi tiêu không bằng”, ông Thơ nói và cho biết đã phải giảm giá thực đơn so với năm 2022.
Trong khi đó, ông Hoàng Tiến, chủ một doanh nghiệp chuyên khách quốc tế, nói lượng khách châu Âu hiện đạt chưa đến 60% so với trước dịch. Do khách ít, ông đã rút từ 6 nhân viên kinh doanh xuống còn hai người để cân đối tài chính. Ông Tiến cho rằng tình hình năm 2024 có thể cũng chưa tươi sáng bởi thế giới còn nhiều bất ổn. Ông đã bị một đoàn khách Brazil hủy tour vì lo ngại chiến sự ở dải Gaza gây mất an toàn hàng không.
Dữ liệu từ Cục Du lịch quốc gia công bố hôm 29/11 cho thấy 11 tháng năm 2023, Việt Nam đón hơn 11,2 triệu lượt khách quốc tế, cao gần gấp rưỡi mục tiêu đề ra hồi đầu năm là 8 triệu lượt. Tuy nhiên, con số này mới chỉ bằng 62% so với cùng kỳ 2019, năm đỉnh cao của du lịch Việt khi lượng khách quốc tế đạt hơn 18 triệu.
Các cơ sở lưu trú tại nhiều điểm du lịch lớn cũng gặp nhiều khó khăn trong năm nay, theo dữ liệu từ Mustgo – nền tảng đặt phòng với 2.000 đối tác khách sạn toàn quốc. Trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, công suất phòng khách sạn ở Phú Quốc, Kiên Giang, đạt khoảng 60%, chủ yếu là khách nội địa, nhiều cơ sở phải bỏ phụ thu.
Giai đoạn hè, nền tảng này ghi nhận các khách sạn 4-5 sao ở Phú Quốc đạt công suất 40-50%, số ít chạm mốc 80%. Một số cơ sở lưu trú 5 sao có lượng phòng lớn chỉ đạt 20%. Tại Đà Nẵng, các ngày trong tuần, phân khúc 3-4 sao đạt tỷ lệ 60%. Tuy nhiên, nhờ thành phố tổ chức lễ hội pháo hoa nên công suất phòng cuối tuần có thể lên tới 90%.
Giai đoạn nghỉ lễ 2/9, các cơ sở lưu trú ở nhiều điểm nóng như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn (Bình Đình) đều thấp. Các resort, khách sạn 4 sao ở nam đảo và bắc đảo Phú Quốc có công suất khoảng 20-35%, phân khúc 3 sao đạt 50%. Ở Quy Nhơn, các phân khúc từ 3 đến 5 sao có tỷ lệ lấp phòng không quá 70%.
Bà Phương Bùi – đại diện phòng Nghiên cứu và Phát triển thị trường tại Mustgo – nói trong năm 2023, kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu nhưng giá vé máy bay tăng lên trong khi các quốc gia Đông Nam Á đua nhau kích cầu du lịch giá rẻ. Điều này khiến cho lượng khách du lịch nội địa tại các điểm du lịch trong nước giảm hẳn so với 2022 trong khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều và chỉ đông hơn từ cuối năm.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á, nhận xét du lịch nội địa, một điểm tựa quan trọng của ngành du lịch Việt Nam, đang gặp khó khăn khi lượng khách sụt giảm ở nhiều nơi, dù các con số chính thức cho thấy ngành du lịch đạt được kỳ vọng của năm 2022.
“Vấn đề cốt lõi có thể nằm ở việc đặt mục tiêu quá dễ dàng và chú trọng quá nhiều vào thành tích và con số, bỏ qua những gì doanh nghiệp cần để thực sự phục hồi và phát triển”, ông Quỳnh nói.
Ông Nguyễn Công Hoan, CEO Flamingo Redtours, nhận xét ngành du lịch Việt Nam chưa có đánh giá chính xác về thị trường năm 2023. Một trong những vấn đề lớn là nền kinh tế chưa phục hồi, một số ngành tạo ra thị trường khách chi tiêu cao như bất động sản, chứng khoán còn khó khăn. Các yếu tố khách quan khiến giá dịch vụ du lịch tăng, ít khuyến mại, dẫn đến nhu cầu của khách thấp, tổng chi tiêu không cao.
Trong khi đó, đại diện Viện Phát triển Du lịch châu Á nhấn mạnh một trong những thách thức lớn nhất là tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Đặc thù của doanh nghiệp lữ hành là ít có tài sản, phụ thuộc vào việc bán tour. Khi muốn vay vốn từ ngân hàng, doanh nghiệp lữ hành không có tài sản đảm bảo như xe, bất động sản để thế chấp. Vì thế, dù ngân hàng dư vốn, công ty du lịch cũng không tiếp cận được.
Đại diện một công ty vận tải du lịch lớn khu vực phía bắc cho biết kể cả có tài sản cũng không thể vay vốn. Công ty này sở hữu khoảng 50 ôtô đời 2015, 2016, đã trả hết nợ cũ. Tuy nhiên, họ không thể dùng số xe này làm tài sản thế chấp do tuổi xe đã “quá hạn”. Điều kiện thế chấp ôtô cũ của các ngân hàng khác nhau, tuy nhiên, tuổi của xe thường không quá 7 năm kể từ thời điểm đăng ký.
Theo Viện Phát triển Du lịch châu Á, ngành du lịch cần tìm ra cách thúc đẩy du lịch nội địa, xây dựng quy chế quản lý điểm đến, quản lý giá dịch vụ tốt hơn và tạo ra những trải nghiệm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách.
Đại diện công ty Best Price cho biết các thống kê về du lịch nước ngoài cho thấy lượng khách đặt đã tăng 8 lần so với cùng kỳ năm trước. Các yếu tố giá cả, sự hấp dẫn ảnh hưởng lớn đến việc khách hàng quyết định chọn du lịch nước ngoài thay vì các điểm nội địa.
Top One Travel, đơn vị chuyên bán combo du lịch và tổ chức các đoàn du lịch trong nước, đã lấn sân sang mảng du lịch nước ngoài từ giữa năm. Giám đốc Hoàng Tuyết cho rằng người làm du lịch cần nhanh nhạy, biết nắm bắt thời cuộc bởi ngành du lịch mang tính mùa vụ cao. Do đó, bà Tuyết quyết định chuyển sang khai thác thị trường Trung Quốc, tuyến Vân Nam bằng đường bộ. Đây cũng là xu hướng mới của khách Việt trong năm nay khi được trải nghiệm dịch vụ du lịch quốc tế, có thể di chuyển bằng đường bộ, tối ưu về cả chi phí lẫn trải nghiệm.
“Từ tháng 8, lượng khách của công ty luôn đạt từ 1.300-1.400 khách mỗi tháng, thậm chí còn cao hơn một số giai đoạn cao điểm du lịch nội địa”, bà Tuyết cho biết.
theo: https://vnexpress.net/du-lich-viet-cam-cu-4681019.html