những sân bay quốc tế Ở Việt Nam

Ở Việt Nam có bao nhiêu sân bay quốc tế? Cụ thể là những sân bay nào? Hãy cùng Bay168 tìm hiểu về các sân bay quốc tế của nước ta ngay trong bài viết dưới đây nhé!

Sân bay quốc tế Vân Đồn

Địa chỉ: Xã Đoàn Kết, Huyện Vân Đồn, Quảng Ninh

Sân bay quốc tế Vân Đồn (VDO), do tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư, là sân bay đầu tiên của Việt Nam thuộc sở hữu tư nhân. Sân bay nằm cách trung tâm thành phố Hạ Long khoảng hơn 1 giờ di chuyển với khoảng cách là 60km.

Sân bay quốc tế Vân Đồn

Sân bay quốc tế Vân Đồn

Với vai trò chính phục vụ nhu cầu của du khách đến và đi từ tỉnh Quảng Ninh, cũng như vận chuyển hàng hóa, sân bay Vân Đồn từ khi khánh thành đã có những đóng góp không nhỏ trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội và du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, sân bay còn có mục đích dự bị cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội) nhằm giảm tình trạng quá tải hành khách tại đây.

Sân bay quốc tế Nội Bài

Địa chỉ: Xã Phú Minh, Huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Sân bay quốc tế Nội Bài (HAN) có tên gọi chính thức là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30km.

Sân bay quốc tế Nội Bài là cảng hàng không lớn nhất và cũng là đầu mối giao thông quan trọng nhất ở khu vực miền Bắc, phục vụ hàng chục triệu lượt khách nội địa và quốc tế mỗi năm. Ngoài 5 hãng hàng không nội địa, thì còn có gần 40 hãng bay quốc tế đang vận hành khai thác hàng trăm chuyến bay mỗi ngày đến và đi từ sân bay Nội Bài.

Sân bay quốc tế Nội Bài

Sân bay quốc tế Nội Bài

Trong lộ trình quy hoạch thời gian tới, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ tiếp tục được đầu tư nâng cấp và cải tạo các hạng mục để hướng tới mục tiêu trở thành một trong những sân bay lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Sân bay quốc tế Cát Bi

Địa chỉ: Đường Lê Hồng Phong, Quận Hải An, Hải Phòng

Sân bay quốc tế Cát Bi (HPH) cách trung tâm thành phố Hải Phòng chỉ 5km. Được xây dựng vào thời kỳ Pháp thuộc, sân bay quốc tế Cát Bi được chính thức đi vào hoạt động với tư cách là sân bay dân dụng vào năm 1985.

Sân bay được đánh giá là có mức độ tăng trưởng đáng nể trong mạng lưới hàng không Việt Nam với công suất phục vụ hành khách tăng từ 35 – 40% mỗi năm. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có hơn 2 triệu lượt hành khách thông qua tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.

Sân bay quốc tế Cát Bi

Sân bay quốc tế Cát Bi

Hiện tại, sân bay quốc tế Cát Bi là cầu nối giữa thành phố Hải Phòng các tỉnh thành lớn trong nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… với khoảng 11 đường bay. Đồng thời, cũng là nơi cất cánh của một số chuyến bay charter (thuê chuyến) đi Bangkok (Thái Lan), Thâm Quyến, Quảng Châu (Trung Quốc),…

Ngoài phục vụ chính cho thành phố Hải Phòng, sân bay Cát Bi còn có chức năng dự bị, giảm tải cho sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội).

Sân bay quốc tế Vinh

Địa chỉ: Xã Nghi Liên, Thành phố Vinh, Tỉnh Nghệ An

Sân bay quốc tế Vinh (VII) nằm ở ngoại ô thành phố Vinh, cách trung tâm thành phố khoảng 6 – 7km. Được xây dựng vào thời kỳ Pháp thuộc, trải qua nhiều lần nâng cấp, cải tạo, đến nay sân bay Vinh đã đủ tiêu chuẩn để được công nhận là Cảng hàng không quốc tế.

Tuy nhiên, sân bay hiện vẫn chỉ chủ yếu khai thác các tuyến bay nội địa và chưa tiếp nhận cũng như thực hiện các chuyến bay quốc tế. Tính tới thời điểm hiện tại, có khoảng 11 đường bay nội địa đến và đi từ sân bay quốc tế Vinh, kết nối thành phố Vinh cũng như tỉnh Nghệ An với các tỉnh thành lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng,…

Sân bay quốc tế Vinh

Sân bay quốc tế Vinh

Trung bình sân bay tiếp đón và phục vụ khoảng hơn 1 triệu lượt khách mỗi năm. Dự kiến đến năm 2030, sân bay quốc tế Vinh sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, đạt mức trung bình 7 triệu lượt khách/năm.

Sân bay quốc tế Phú Bài

Địa chỉ: Cầu Phú Bài, Khu 8, Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế

Sân bay quốc tế Phú Bài (HUI) có vai trò chính phục vụ giao thông, giao thương của tỉnh Thừa Thiên – Huế nói chung và thành phố Huế nói riêng. Sân bay nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 15km. Nơi đây còn là trụ sở chính của Vietravel Airlines – hãng hàng không nội địa vừa ra mắt vào đầu năm 2021.

Sân bay quốc tế Phú Bài

Sân bay quốc tế Phú Bài

Sân bay quốc tế Phú Bài được xếp thứ 5 trong mạng lưới bay toàn quốc với năng suất phục vụ hành khách lên đến 2 triệu lượt mỗi năm (số liệu được thống kê vào năm 2020). Hiện tại, sân bay đang được xây dựng thêm nhà ga, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021, để nâng công suất phục vụ lên đến 5 triệu lượt khách.

Hiện nay, sân bay quốc tế Phú Bài đang hoạt động khai thác với 4 đường bay chính đến và đi từ Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt và Phú Quốc. Trong giai đoạn tới, dự kiến sẽ có thêm các đường bay nội địa và quốc tế kết nối tới thành phố Huế, để phát huy hơn nữa năng lực khai thác của Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.

Sân bay quốc tế Đà Nẵng

Địa chỉ: Đường Nguyễn Văn Linh, Hòa Thuận Tây, Hải Châu, Đà Nẵng

Sân bay quốc tế Đà Nẵng (DAD) có tên gọi đầy đủ là Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Đây là sân bay quốc tế lớn nhất ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, phục vụ chủ yếu các du khách trong và ngoài nước đến Đà Nẵng, Hội An.

Sân bay quốc tế Đà Nẵng

Sân bay quốc tế Đà Nẵng

Sân bay quốc tế Đà Nẵng được phân ra thành 4 nhà ga là Nhà ga Quốc nội, Nhà ga Quốc tế, Nhà ga VIP và Nhà ga hàng hóa. Tính đến năm 2019, sân bay quốc tế Đà Nẵng đã phục vụ được 15,5 triệu lượt hành khách, xếp thứ 3 trong số những sân bay bận rộn nhất Việt Nam.

Hiện tại, có 5 hãng hàng không nội địa và 33 hãng hàng không quốc tế đang hoạt động tại sân bay quốc tế Đà Nẵng với tổng số đường bay được khai thác là 67. Trong đó có 16 đường bay nội địa và 51 đường bay quốc tế.

Sân bay quốc tế Cam Ranh

Địa chỉ: Vịnh Cam Ranh, Phường Cam Nghĩa, Cam Ranh, Khánh Hòa

Sân bay quốc tế Cam Ranh (CXR) chính thức được khai thác dân dụng từ năm 2004. Từ khi đi vào hoạt động, sân bay Cam Ranh đã có đóng góp không nhỏ trong công cuộc phát triển kinh tế, giao thông, du lịch của tỉnh Khánh Hòa.

Sau những lần được đầu tư xây dựng và mở rộng quy mô, sân bay Cam Ranh chính thức được công nhận đủ điều kiện trở thành cảng hàng không quốc tế. Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh sở hữu 2 nhà ga hành khách: Nội địa và Quốc tế. Trong đó, nhà ga hành khách Quốc tế của sân bay này được biết đến là nhà ga 4 sao được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.

Sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa)

Sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa)

Hiện nay, có 8 đường bay nội địa từ Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Thanh Hóa,… hạ cánh tại sân bay quốc tế Cam Ranh. Cùng với đó là hàng loạt đường bay quốc tế từ Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc,… đưa du khách từ các quốc gia này đến với tỉnh Khánh Hòa.

Theo thống kê năm 2019, lượng hành khách thông qua tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đã đạt tới 10 triệu lượt, với 70% là du khách quốc tế. Đây cũng là sân bay duy nhất tại Việt Nam có tỉ lệ khách quốc tế cao hơn khách nội địa.

Sân bay quốc tế Cần Thơ

Địa chỉ: 179B Lê Hồng Phong, Long Hoà, Bình Thủy, Cần Thơ

Sân bay quốc tế Cần Thơ (VCA) là sân bay thuộc khu vực miền Tây, phục vụ chủ yếu cho hoạt động giao thông, giao thương và du lịch vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Sân bay Cần Thơ cách trung tâm thành phố khoảng 8km về hướng Tây Bắc.

Trước năm 1975, sân bay quốc tế Cần Thơ là căn cứ không quân phục vụ cho chế độ cũ với tên gọi Căn cứ không quân Bình Thủy, cho đến khi giải phóng miền Nam thì nơi này chính thức được khai thác cho mục đích dân sự.

Sân bay quốc tế Cần Thơ

Sân bay quốc tế Cần Thơ

Sân bay Cần Thơ được công nhận là sân bay quốc tế vào năm 2011 với cơ sở hạ tầng, cơ sở kỹ thuật đều đáp ứng đầy đủ theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, có khoảng 11 đường bay nội địa được khai thác ở sân bay Cần Thơ, kết nối thành phố Cần Thơ với Hà Nội, Sài Gòn, Vinh, Phú Quốc, Côn Đảo,… Chưa có đường bay quốc tế nào được khai thác thường lệ tại sân bay này, mà chỉ có các chuyến bay thuê bao (charter) với điểm đến là Đài Bắc, Đài Trung, Cao Hùng của Đài Loan.

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất

Địa chỉ: Đường Trường Sơn, Phường 2, Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN) là cảng hàng không quốc tế lớn nhất Việt Nam với diện tích là 850 ha và có công suất phục vụ lên đến hơn 38 triệu lượt hành khách. Sân bay nằm cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) khoảng 7km.

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất

Sân bay Tân Sơn Nhất là trụ sở của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam. Đồng thời cũng là địa bàn hoạt động chính yếu của tất cả các hãng bay trong nước. Ngoài ra, sân bay cũng tiếp nhận các chuyến bay quốc tế của trên dưới 40 hãng hàng không trong khu vực và trên thế giới, bao gồm cả bay thẳng và bay nối chuyến.

Mặc dù đang sở hữu cơ sở hạ tầng cùng các trang thiết bị kỹ thuật hàng không tiên tiến nhất, nhưng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn trong tình trạng quá tải hành khách.

Chính vì thế, trong quy hoạch giai đoạn tới năm 2030, sân bay sẽ tiếp tục được nâng cấp, mở rộng diện tích nhằm nâng cao năng lực phục vụ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.

Bên cạnh đó, sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) đang xây dựng được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tải đáng kể cho sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khi chính thức đi vào hoạt động.

Sân bay quốc tế Phú Quốc

Địa chỉ: Đường Nguyễn Trường Tộ, Tổ 2, Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

Sân bay quốc tế Phú Quốc (PQC) là cảng hàng không quốc tế phục vụ cho Đảo Phú Quốc, được xây mới và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2012. Sân bay nằm cách trung tâm phường Dương Đông khoảng 14km. Sự ra đời của Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giao thông, giao thương, du lịch cũng như công tác đảm bảo an ninh – chính trị vùng biển đảo.

Sân bay quốc tế Phú Quốc

Sân bay quốc tế Phú Quốc

Đến nay đã có 12 đường bay nội địa kết nối các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Vinh,… đến thẳng đảo Phú Quốc. Cùng với đó là các chuyến bay quốc tế Hong Kong – Phú Quốc (bay thẳng thường lệ), Đài Bắc (thuê chuyến), Thành Đô (thuê chuyến),… Với khoảng hơn 3 triệu lượt hành khách cả trong nước và quốc tế thông qua mỗi năm, sân bay Phú Quốc được xếp thứ 5 trong số các sân bay nhộn nhịp nhất tại Việt Nam.

Nguồn : Bestprice

You might also like
Zalo